Cuộc tranh luận ai mới là người xuất sắc nhất trong lịch sử bóng rổ giữa Michael Jordan và LeBron James chưa bao giờ có điểm dừng. Đặc biệt trong thời điểm sự nghiệp của cầu thủ gốc Ohio sắp đến hồi kết, đề tài này lại càng nóng hơn lúc nào hết. Tuy nhiên đã bao giờ NHM tự hỏi rằng trong một thực tại không có sự tồn tại của hai thiên tài này, ai sẽ được đứng lên ẵm danh hiệu GOAT (cầu thủ xuất sắc nhất mọi thời đại)?
Lịch sử giải bóng rổ hấp dẫn nhất hành tinh NBA đã chứng kiến rất nhiều gương mặt xuất sắc. Mỗi người đều mang đến những màu sắc rất riêng, có người cực giỏi kiến tạo như John Stockton hay xuất sắc trong khâu phòng ngự nơi Scottie Pippen. Tuy nhiên để có thể được công nhận là GOAT, cầu thủ đó phải giỏi trên gần như mọi khía cạnh của trái bóng cam đi kèm các danh hiệu đầy ắp. Vì vậy, 5 cái tên dưới đây có thể phần nào đó đáp ứng các điều kiện trên.
Danh hiệu nổi bật: 6 lần vô địch NBA (1971, 1980 1982, 1985, 1987, 1988), 2 lần giành Finals MVP (1971, 1985), 6 danh hiệu MVP (1971, 1972, 1974, 1976, 1977, 1980), 19 lần lọt vào đội hình tiêu biểu toàn mùa giải (10 lần tại đội hình 1, 9 lần đội hình 2), 19 lần là All Star, Tân binh xuất sắc nhất 1970,…
Kareem Abdul-Jabbar hay tên thật là Ferdinand Lewis Alcindor Jr có thể nói là cầu thủ đầu tiên được NHM nghĩ đến cho danh hiệu GOAT nếu Michael Jordan lẫn LeBron James không tồn tại. Trung phong huyền thoại đã chinh phục được gần như tất cả mọi danh hiệu một cầu thủ có thể mơ về, trừ "Cầu thủ phòng ngự xuất sắc nhất". Kareem không quá nổi tiếng trên khía cạnh này chẳng phải vì ông chơi phòng ngự chưa đủ giỏi mà có lẽ đến từ sự “vô đối” của mình trên mặt trận tấn công.
Kareem Abdul-Jabbar sở hữu tuyệt kỹ “Sky Hook” trứ danh vẫn được người đời tán dương rằng không thể cản phá. Trong thời đại của những trung phong xuất sắc, ông là người đứng trên tất cả. Điều khiến ông được đánh giá rất cao đến từ việc huyền thoại khoác áo số 33 đã gần như một mình dẫn dắt đội bóng nhỏ Milwaukee Bucks tới chức vô địch năm 1971. Chỉ riêng thành tích này thôi cũng đã có thể đưa người con của New York vào ngôi đền huyền thoại. Tuy nhiên ông còn làm được nhiều hơn thế rất nhiều kể từ ngày chuyển sang khoác sắc áo vàng tím của Los Angeles Lakers.
Kareem Abdul-Jabbar và tuyệt chiêu Skyhook huyền thoại
Tại bờ Tây nước Mỹ, Kareem Abdul-Jabbar mang về cho BST cá nhân thêm 5 chiếc nhẫn vô địch. Ở Lakers, ông cũng lập kỷ lục khi trở thành MVP lớn tuổi nhất lịch sử khi đã 38 tuổi 54 ngày vào năm 1985. Con số 38.387 điểm do Kareem thiết lập đến giờ vẫn chưa có bất cứ ai có thể phá vỡ. Đây đích thị một huyền thoại đã có tất cả và hoàn toàn xứng đáng cho vị trí GOAT.
Danh hiệu nổi bật: 11 chức vô địch NBA ((1957, 1959-1966, 1968, 1969), 5 danh hiệu MVP (1958, 1961-1963, 1965), 11 lần lọt vào đội hình tiêu biểu NBA (3 lần tại đội hình 1, 8 lần tại đội hình 2), 12 lần là All Star,…
Bill Russell là được NHM NBA yêu mến đặt cho danh xưng “chúa nhẫn”. Cho đến thời điểm bóng rổ hiện đại, có thể khẳng định phần nào rằng con số 11 nhẫn vô địch trong tay huyền thoại Boston Celtics sẽ gần như không thể phá vỡ. Ông thậm chí còn có giai đoạn 8 năm liền độc bá trên đỉnh cao của NBA. Một sự thật đáng sợ rằng cho đến thời điểm hiện tại, Boston Celtics mới giành thêm được 6 chức vô địch kể từ ngày huyền thoại số 6 giải nghệ.
Tuy nhiều người vẫn cho rằng Bill Russell may mắn khi sinh ra vào thời đại NBA ít cạnh tranh và không có nhiều đội bóng tranh tài. Tuy nhiên phải nhìn nhận vấn đề một cách khách quan rằng ông và những bậc tiền bối cùng thời đã đóng vai trò không thể thay thế trong việc khai phá bóng rổ. Sẽ chẳng bao giờ có NBA như bây giờ nếu thiếu đi Bill Russell cùng các đồng chí trong những ngày NBA còn sơ khai.
Khác với những cái tên còn lại trong bảng danh sách này, Bill Russell không quá xuất sắc trên mặt tấn công. Thế nhưng ông bù đắp một cách tuyệt vời trên khía cạnh phòng ngự. Bức tường phòng ngự khoác áo số 6 chính là bàn đạp đầy vững chắc cho những Bob Cousy, Sam Jones và Hohn Havlicek trên mặt trận tấn công. Có thể nói ông chính là linh hồn và trái tim của đế chế vĩ đại nhất trong lịch sử NBA.
Danh hiệu nổi bật: 2 chức vô địch NBA (1967, 1972), Finals MVP năm 1972, 4 lần đoạt danh hiệu MVP (1960, 1966-1968), 10 lần lọt vào đội hình tiêu biểu (7 lần tại đội hình 1, 3 lần tại đội hình 2), Tân binh xuất sắc nhất mùa 1960,…
Trước Kareem Abdul-Jabbar, ở NBA tồn tại Wilt Chamberlain “quái thú” gần như không thể cản phá phía dưới bảng rổ. Nếu không có đại kình địch Bill Russell, có lẽ sự nghiệp của gã khổng lồ gốc California có lẽ đã vĩ đại hơn rất nhiều. Tuy nhiên việc giành được hai chức vô địch trong màu áo Sixers và Lakers trong thời đại Boston Celtics độc bá cũng phần nào chứng minh được năng lực của ông.
Chỉ có 2 lần nâng cao chiếc cúp Larry O’Brien, tại sao Wilt Chamberlain lại có thể lọt vào danh sách vĩ đại này? Câu trả lời đến từ những kỷ lục vô tiền khoáng hậu đến từ người đàn ông quái kiệt này. Kỷ lục ghi 100 điểm trong một trận đấu của Wilt chắc chắn là một trong những điều được người đời nhớ nhất.
NHM gọi ông là “sách kỷ lục sống” bởi lẽ các con số ông làm được dường như hoàn toàn phi lý. Wilt Chamberlain có 11 mùa giải nơi ông ghi trung bình double double trên 20 điểm và 20 rebound. Thậm chí trong mùa 1961/1962, huyền thoại sinh năm 1936 sở hữu dòng chỉ số không tưởng 50 điểm đi kèm 25,7 rebounds. Ông cũng được đánh giá là cầu thủ sở hữu nguồn thể lực vô tận bậc nhất lịch sử NBA khi nắm giữ kỉ lục số phút trung bình mỗi trận ở 45,8 phút/trận và kỷ lục tại một mùa giải với 48,5 phút/trận (1961/1962).
Danh hiệu nổi bật: 3 chức vô địch NBA (1981, 1984, 1986), 3 danh hiệu MVP (1984-1986), 2 lần đoạt Finals MVP (1984, 1986), 12 lần là All Star, 10 lần lọt vào đội hình tiêu biểu (9 lần tại đội hình 1, 1 lần tại đội hình 2), tân binh xuất sắc nhất mùa giải năm 1980,…
Sau thời kỳ của Bill Russell, Larry Bird chính là gương mặt đã giúp Boston Celtics thêm một lần nữa trở thành đế chế đáng gờm ở NBA. Có một điều gì đó rất đặc biệt tỏa từ người đàn ông gốc Indiana khiến mọi đối thủ giáp mặt ông đều phải nể sợ. Bản thân LeBron James cũng từng thừa nhận Larry Bird là cầu thủ hay nhất mình từng được chứng kiến.
Larry Bird là đại diện cho một Boston Celtics đầy mạnh mẽ và xù xì của những năm 1980. Dù không sở hữu thể chất vượt trội như những cái tên đã được nhắc đến trong danh sách này thế nhưng nói về kỹ năng, có lẽ ông là người xuất sắc nhất. “Larry Legend” là người thành lập ra CLB 50/40/90 khi là cầu thủ đầu tiên trong lịch sử NBA đạt hiệu suất dứt điểm 50%, ném ba 40% và ném phạt 90%.
Larry Bird với bộ kĩ năng thiên tài
Danh hiệu nổi bật: 5 chức vô địch NBA (1980, 1982, 1985, 1987, 1988), 3 danh hiệu MVP (1987, 1989, 1990), 3 lần giành Finals MVP (1980, 1982, 1987), 12 lần làm All Star, 10 lần lọt vào danh sách đội hình tiêu biểu (9 lần ở đội hình 1,1 lần tại đội hình 2),…
Cái tên cuối cùng trong danh sách chính là đại kình địch của Larry Bird trong những năm 1980. Có thể nói, Magic Johnson đại diện cho những giá trị đối nghịch hoàn toàn với đối thủ trong màu áo xanh của mình. Nếu như Larry Bird mạnh mẽ và gai góc thì lối chơi của Magic Johnson lại đầy hoa mỹ, đẹp mặt và giải trí.
Magic Johnson là minh chứng sống cho một cầu thủ toàn tài. Ông có thể chơi ở mọi nơi đội bóng cần từ vị trí cầm bóng sở trường cho tới trung phong thay cho Kareem Abdul-Jabbar. Huyền thoại sinh năm 1959 có lẽ là người sở hữu chiến dịch tân binh xuất sắc nhất trong lịch sử NBA khi ông dẫn dắt Lakers tới chức vô địch NBA 1980 khi mới chỉ chân ướt chân ráo thi đấu tại đây.
Magic Johnson là trái tim của Showtime Lakers đầy mê hoặc
Dù đích thân ông từng tuyên bố Kobe Bryant là cầu thủ Los Angeles Lakers xuất sắc nhất lịch sử. Thế nhưng xét trên mọi khía cạnh từ chuyên môn cho tới thành tích chính cố huyền thoại Kobe Bryant đã từ chối và nhường lại danh hiệu cho người tiền bối.
Bạn nên quan tâm