Một cô gái, bị gãy cổ hay gì đó, bị mắc kẹt trên hàng rào. Khi các nhân viên an ninh cố gắng đến được đó, cô đã chết. Phải đến quá nửa đêm, xác của cô mới được đưa xuống, sau đó nằm cạnh 42 thi thể khác, cùng 143 người bị thương, trên mặt cỏ sân vận động Ellis Park.
Đó là một ngày kinh hoàng ở tại Johannesburg, Nam Phi, cách đây 17 năm. Nó vốn chỉ có sức chứa 62.000 người. Thế nhưng gần 20.000 người khác không muốn bỏ lỡ cuộc đối đầu giữa hai CLB Orlando Pirates và Kaizer Chiefs.
Bằng nhiều cách khác nhau, sử dụng vé giả, hối lộ nhân viên an ninh, trèo tường hay chỉ đơn giản là chen lấn và xô đẩy, họ đã ken đặc Ellis Park để ngay cả việc thở cũng trở nên khó khăn. Nó đơn giản là vượt quá mức chịu đựng của sân vận động khốn khổ này, dẫn tới việc các hàng rào bị đổ và người hâm mộ dẫm đạp lên nhau.
Ký ức kinh hoàng ở Ellis Park năm 2001, với 43 người thiệt mạng.
Thảm kịch đã xảy ra. Trận đấu bị hủy sau 34 phút. Và màn hình lớn ở sân, thay vì hiển thị tỷ số, lại hiện số điện thoại cùng địa chỉ của nhà xác và bệnh viện.
Sự cố ở Ellis Park không phải hiếm trong bóng đá. Heysel (Bỉ) 1985, Hillsborough (Anh) 1989, Lusaka (Zambia) 1996, Lagos (Nigeria) 1997, Port Said (Ai Cập) 2012 là những kỷ niệm đau buồn mà không một ai muốn nhớ lại. Mới đây nhất vào năm ngoái, 8 người thiệt mạng và 60 người bị thương trong trận chung kết Cúp liên đoàn Senegal tại Dakar. Nguyên nhân cũng từ sự quá tải, khiến một bức tường đổ sụp.
Chúng ta biết rằng tình yêu với bóng đá, thậm chí còn lớn hơn cả tình yêu đôi lứa. Họ có thể làm bất cứ điều gì, dữ dội và điên rồ, nhất là khi được thúc đẩy bởi bầu không khí phấn khích xung quanh. Tình yêu được thổi bùng lên mãnh liệt quá mức. Để có những lúc nó trở nên sai lầm, hoặc có những lúc trở nên kỳ quặc và quái đản.
Một người hâm mộ vào bên trong Mỹ Đình qua đường lan can, sau khi đưa tiền cho nhân viên an ninh.
Vậy nên trước trận đấu giữa Việt Nam và Malaysia, hành trình săn lùng tấm vé để có mặt ở Mỹ Đình là một câu chuyện dài. Người hâm mộ sẵn sàng thức cả đêm, xếp hàng chờ mua vé. Khi thất bại, nhiều người tìm đến chợ đen và sẵn sàng bỏ ra vài triệu.
Còn số khác, rẽ qua cổng phụ, thông qua đám cò để vào bên trong bằng cách trèo rào. Những người còn lại thì chọn sảnh sân vận động, đưa tiền cho nhân viên an ninh và leo lan can để vẫn có mặt trên khán đài trước khi quốc ca được cử hành.
Nhiều người đã cố gắng biện minh cho hành vi đó bằng hai từ "tình yêu", và đổ lỗi cho VFF về chuyện phân phối vé. Nó cũng giống việc một số cổ vũ cho những kẻ phá hoại trận đấu đêm thứ Sáu bằng pháo sáng, vừa mang tới nguy hiểm cho người hâm mộ, các cầu thủ vừa đưa đội tuyển tới án phạt tiềm tàng.
Pháo sáng vẫn được đốt tại Mỹ Đình, dù đã nhận được khuyến cáo.
Họ đâu biết rằng, tình yêu đúng là xuất phát từ con tim, nhưng nên được dẫn dắt bởi lý trí. Tại sao chúng ta cứ nhất quyết phải vào sân trong khi có vô số lựa chọn khác? Tại sao chúng ta phẫn nộ với đám phe vé, những kẻ lợi dụng chức vụ để lũng đoạn, nhưng lại sẵn sàng tiếp tay cho chúng, giúp chúng trục lợi từ cái gọi là "tình yêu bóng đá"?
Bạn có biết ở World Cup 2018 mới đây, có không ít CĐV Argentina hay Mexico đã trải qua một hành trình dài để tới nước Nga. Không thể kiếm được vé, họ vẫn vui vẻ bởi cảm giác đồng hành cùng đội tuyển, thưởng thức bầu không khí nóng bỏng bên ngoài sân, đã rất tuyệt.
Đó mới là tình yêu chân chính, thay vì bất chấp tất cả, từ chuyện đội bóng mình yêu mến có thể bị phạt đến nguy cơ mất an toàn trong sân vận động, vốn chỉ được thiết kế để chứa đủ 40.000 người hâm mộ.
Bóng đá là niềm vui và các trận đấu được tạo ra để thưởng thức, không phải để đánh cược với mạng sống và cảm giác hãi hùng mỗi khi nhớ về.
Vào sân Mỹ Đình chưa chắc đã cần vé! | AFF Cup 2018