Hiển nhiên, với những người đang theo đuổi bộ môn võ thuật đặc biệt này, gần như ai cũng xem UFC là một giấc mơ đáng theo đuổi. UFC là giải đấu MMA lớn nhất hiện tại. Tuy nhiên, vấn đề sắp xếp trận đấu của UFC nhiều năm qua đã bị đánh giá là thiên vị và có phần gây bất công cho nhiều võ sĩ.
Chẳng hạn như tình trạng của Khabib Nurmagomedov, tay đấm được đánh giá là võ sĩ hạng nhẹ xuất sắc nhất lịch sử MMA thế giới.
Khabib gia nhập UFC từ tận năm 2012 và trong suốt 9 năm trời thi đấu tại UFC, "Đại Bàng" nước Nga chưa từng để thua một trận đấu nào. Đáng nói hơn, số hiệp đấu anh thắng điểm trước đối thủ cũng hoàn toàn vượt trội.
Dù thể hiện tốt đến thế, Khabib vẫn phải chờ mãi đến năm 2018, anh mới có cơ hội tranh đai hạng nhẹ với Al Iaquinta. Trong khi đó, kỳ phùng địch thủ nổi tiếng của Khabib, Conor McGregor gia nhập UFC từ năm 2013 và chỉ chờ đến năm 2015 là đã có trận tranh đai đầu tiên.
Không chỉ thế, khi Conor McGregor giành lấy chức vô địch hạng lông UFC, anh đã chẳng thèm bảo vệ nó, mà nghiễm nhiên được UFC đặc cách cho lên tranh đai với nhà vô địch hạng nhẹ lúc ấy là Eddie Alvarez vào năm 2016.
Phải chờ đến khi Conor McGregor nghỉ thi đấu MMA hẳn 2 năm trời và không thèm bảo vệ đai lấy một lần, UFC mới cho Khabib cơ hội để tranh đai hạng nhẹ, dù cho anh đã gắn bó ở hạng cân này từ khi mới ký hợp đồng với UFC.
Hoàn cảnh của Khabib là tiêu biểu nhất cho thấy hệ thống sắp xếp trận đấu của UFC "có vấn đề".
Là võ sĩ MMA đầu tiên của Việt Nam, Trần Quang Lộc đã có những chia sẻ thú vị về quá trình phát triển của bộ môn này trên dải đất hình chữ S.
Theo đuổi MMA từ những năm 2009-2010, Trần Quang Lộc chính là ngọn cờ đầu của MMA Việt. Trong khoảng thời gian khi mà gần như chẳng một khán giả Việt nào biết đến khái niệm "MMA", Trần Quang Lộc đã tập luyện và tự phối hợp các môn võ mà anh tập để theo đuổi giấc mơ thi đấu võ tổng hợp.
Bản thân là một võ sĩ chuyên nghiệp, Trần Quang Lộc hiểu rõ những tâm tư của một tay đấm: "Võ sĩ thì cần được tập và được đấu. Đó không chỉ là vấn đề đam mê sở thích, mà nó còn là công việc phải làm của họ."
Anh nói tiếp: "Bản thân nếu là một võ sĩ, tôi sẽ mong được thi đấu theo hình thức tổ chức của giải đấu PFL (Professional Fighter League) hơn. Do nó công bằng hơn, trao cơ hội cho nhiều võ sĩ hơn. Quan trọng nhất là võ sĩ không phải ở trong tình trạng thấp thỏm lo âu không biết khi nào mới được thi đấu."
Trong nghiệp đánh võ đài chuyên nghiệp, võ sĩ chỉ có thu nhập khi thượng đài. Tuy nhiên, các chi phí tập luyện để duy trì kỹ năng, trình độ, chi phí dưỡng thương trong khoảng thời gian chuẩn bị ấy đa phần là các võ sĩ phải tự chi trả. Do đó, nếu không nắm chắc được kế hoạch thi đấu, các võ sĩ sẽ phải sống rất chật vật.
Giải đấu PFL mà anh Lộc nhắc đến là một giải đấu MMA được tổ chức theo hình thức mùa giải. Trong đó, mỗi năm PFL sẽ chọn lựa ra 70 võ sĩ khác nhau ở 7 hạng cân thi đấu và để họ đối đầu nhau lần lượt. Các võ sĩ sẽ nhận 3 điểm khi thắng, 1 điểm khi hòa và không có điểm nào nếu để thua trận. Cuối mỗi regular season, 4 võ sĩ hàng đầu của mỗi hạng cân sẽ tiếp tục thi đấu vòng loại để tìm ra nhà vô địch của mùa giải đó.
Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại, hình thức tổ chức theo dạng mùa giải PFL lại khó tạo ra được các ngôi sao để truyền thông chú ý. Chưa kể các vấn đề bất khả kháng xảy ra như chấn thương, lố cân... sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình tìm kiếm nhà vô địch cho mùa giải đó.
Và nếu có những tai nạn như vậy xảy ra, nhà tổ chức sẽ là người phải chịu thiệt thòi nhất, bởi không có một giải pháp nào là ổn thỏa để làm nguôi ngoai cho khán giả và cho cả những võ sĩ đã tham gia từ đầu mùa giải.
Bạn nên quan tâm